27/1/16

CHIẾN LƯỢC LÀM BÀI CÁC PHẦN THI NGHE TOEIC


Bạn đã biết nguyên nhân, cũng như các cách luyện nghe TOEIC hiệu quả nhất. Vậy, hãy cùng bước vào giai đoạn cuối cùng và cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong chuỗi bí quyết giúp đạt điểm thi nghe TOEIC tối đa 495/495 nhé: Chiến lược làm bài ở các phần bài nghe TOEIC hiệu quả nhất.
Part 1 (Pictures): Ở phần này chúng ta nên tận dụng khoảng thời gian đài đọc phần hướng dẫn làm bài để xem lướt qua càng nhiều ảnh càng tốt. Điều đầu tiên cần xác định là bức hình nói về người hay vật, hay cả hai. Nếu bức hình nói về vật (không có ai trong bức hình), chúng ta có thể loại ngay những đáp án có những từ như “people”, “the woman”,”the man”… Nếu bức hình có cả người và vật, hãy đoán thử vị trí của người và vật, chẳng hạn “the man is standing beside the telephone booth”. Nếu bức hình về người, hãy đoán thử hành động của nhân vật trong ảnh và số lượng người, vị trí của họ… Ngoài ra, cũng như trình bày ở trên, bạn nên nghe và loại các đáp án sai kết hợp với chọn đáp án đúng để câu trả lời có thể chắc chắn hơn.


Part 2 (Questions – Responses): Phần này cũng tương tự như part 1 là bạn sẽ nghe key word trong câu hỏi để chọn đáp án, đặc biệt chú ý vào từ để hỏi (từ đầu tiên trong câu) để xác định xem đó là dạng câu hỏi gì (WH-question hay Yes/no question, câu hỏi đuôi,… một số trường hợp sẽ không đưa ra câu hỏi mà đưa ra lời khẳng định chung chung.) Sau khi đã nghe được từ để hỏi chúng ta sẽ có một số thủ thuật để loại đáp án:
Nếu bạn nghe được key word trong câu hỏi và ở các đáp án trả lời có lặp lại key word hoặc từ nghe tương tự với key word, thường đó sẽ là đáp án “bẫy” và nhờ đó chúng ta có thể loại đáp án.
Nếu bạn nghe được chủ ngữ của câu hỏi và câu trả lời khác nhau thì chúng ta cũng có thể loại đáp án ví dụ “Why … he not …. office?” – “It…” (“loại”).
Nếu đó là dạng WH-question, bạn nên tập trung nghe xem đó là Who, whom, what, where, when hay why. Dựa vào đó bạn có thể loại một số đáp án chẳng liên quan. Ví dụ, bạn nghe được câu hỏi “Where…?” – Đáp án A bạn nghe được key word “… Monday” (“loại”, đây là đáp án cho câu hỏi When). Đáp án B “Because…” (“loại”, câu hỏi Why). Đáp án  C “At…” (“đúng” –  đáp án). Ngoài ra, đối với những câu trả lời bắt đầu bằng “Yes,…” hay “No,…” cũng sẽ bị loại vì đây là câu trả lời cho Yes/no question.
Nếu đó là dạng câu hỏi lựa chọn “or”, ví dụ “Would you like coffee or tea?” thì chúng ta chỉ cần tập trung vào 2 từ khóa được đưa ra “coffee” và  “tea” để lắng nghe vì đáp án chỉ có thể giới hạn ở 2 key word đó.
Part 3 (Short conversations): Phần này mức độ khó đã tăng lên. Thay vì nghe những câu riêng lẻ, bạn sẽ nghe cả một đoạn đối thoại. Thay vì trả lời một câu hỏi, bạn sẽ phải trả lời 3 câu hỏi mỗi đợt. Ngoài ra, trong các câu hỏi sẽ có những câu suy luận và câu hỏi bẫy nên phần này sẽ càng thêm khó. Tuy nhiên, với một chiến lược hợp lý, các bạn có thể sẽ thấy phần này còn dễ “ăn điểm” hơn hai phần trước. Ở giai đoạn này, tinh thần nghe chủ động cần phải lên ở mức cao nhất vì bạn sẽ phải đoán trước khá nhiều. Các bước thực hiện sẽ bao gồm:
Bước 1: Khi máy bắt đầu phát hướng dẫn, bạn sẽ bắt đầu đọc cụm câu hỏi số 1 (mỗi cụm gồm 3 câu). Một số sách có khuyên là hãy đọc trước câu hỏi, tuy nhiên khi bạn áp dụng thì có thể bạn không nhớ được câu hỏi đã hỏi gì. Do đó, bạn nên đọc cả câu hỏi và câu trả lời (tính ra bạn sẽ phải đọc khoảng 15 câu trong khoảng vài chục giây nên kĩ năng đọc của bạn phải thật nhanh nhé). Không nên đọc theo trình tự thông thường mà đọc câu ở giữa trong cụm 3 câu trước tiên. Ví dụ, có 3 câu đánh số là 50 51 52, mình sẽ đọc câu 51 rồi đến 52 sau đó quay trở lại câu 50. Lý do là vì câu đầu tiên trong cụm 3 câu thường hỏi chung chung về ngữ cảnh hay nội dung bài đối thoại, các câu sau sẽ hỏi chi tiết. Đôi khi trong những câu hỏi chi tiết có thể “sơ hở” để lộ nội dung của bài đối thoại, nhờ đó chúng ta có thể đoán ngay được đáp án của cả 3 câu. Ngoài ra, những câu hỏi chi tiết cũng sẽ làm rõ nội dung của những câu hỏi chung.
Bước 2: Sau khi đọc hết các câu hỏi và đáp án, bạn hãy nhanh chóng suy nghĩ xem đáp án 3 câu đó có liên quan như thế nào. Ví dụ câu 50A gắn với 51C, 52B; 50B gắn với 51B, 52D… Từ đó, bạn hãy dự đoán đáp án có thể có. Nếu không nghĩ ra hoặc không kịp, bạn hãy dùng ngón tay đặt trước vào các đáp án một cách ngẫu nhiên. Khi đoạn đối thoại bắt đầu, bạn chỉ cần tập trung vào những đáp án sẵn có mà bạn đã chọn. Nếu máy đọc khác, ngay lập tức dịch chuyển ngón tay đến đáp án phù hợp nhất. Bằng cách này bạn sẽ giữ được thế chủ động của mình, không phải hồi hộp chờ đợi đáp án.
Bước 3: Ngay khi đoạn hội thoại kết thúc và máy bắt đầu đọc câu hỏi, nhanh chóng tô đáp án vào giấy dựa vào đánh dấu của ngón tay và chuyển sang cụm câu hỏi số 2. Cứ thế, lặp lại các bước 123.
Phần này đòi hỏi tốc độ làm bài và phán đoán rất nhanh nên các bạn phải luyện tập nhiều mới có thể quen. Vì phải “nhảy cóc” liên tục hết cụm câu này tới cụm câu khác, hãy luôn cố gắng giữ cho tâm lý thật vững vàng, nếu lỡ có đoạn hội thoại không nghe được gì hết thì vẫn cứ đánh random vào đáp án và tiếp tục qua ngay cụm câu tiếp theo. Nếu chần chừ, bạn có thể sẽ “mất cả chì lẫn chài” đó.
Part 4 (Short talks): Phần này cũng tương tự như part 3, các bạn sẽ trả lời 10 cụm câu hỏi (mỗi cụm 3 câu), tuy nhiên part 4 chỉ có một người nói. Về chiến lược và cách làm bài, bạn cũng làm tương tự như part 3 (an tâm hơn một chút là phần này hầu như không có bẫy).
Dừng lại và phân tích nguyên nhân, tích lũy và khắc phục: Thường thấy các bạn sắp xếp thời gian chuẩn bị cho kì thi TOEIC như thế này: ôn thi -> luyện đề -> đi thi. Một trong những sai lầm mà mình hay thấy là cố gắng luyện thật nhiều đề chờ cho đến ngày thi mà không dừng lại để xem xét mình còn thiếu những gì. Việc luyện đề giúp nâng cao kĩ năng làm bài và chỉ ra những điểm yếu của bạn, còn kiến thức của bạn sẽ vẫn vậy, không thể nào thay đổi trong một sớm một chiều được. Hãy tưởng tượng bạn muốn tăng thêm chiều cao, bạn không thể nào lấy thước ra đo hôm nay, hôm sau lại đo tiếp xem mình có cao hơn hôm qua không.Thực tế, chúng ta phải ăn uống đầy đủ, tập thể dục qua một thời gian mới có thể đo tiếp được. Mình thấy việc luyện đề cũng giống như lấy cây thước để đo, cho nên nếu bạn cứ đo từ ngày này qua ngày kia không lo ăn uống thì rất khó mà đạt mục tiêu. Do đó, các bạn nên làm thử  1, 2 đề đánh giá xem điểm bao nhiêu. Sau đó tạm dừng việc giải đề, phân tích tìm ra điểm yếu của bạn và nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Kế đến các bạn có thể dành thêm một khoảng thời gian để luyện tập, tích lũy kiến thức và cải thiện những phần còn yếu rồi tiếp tục giải thêm 1, 2 đề, xem điểm số của bạn có tăng thêm không? Cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến ngày thi.
 Hi vọng chúng tôi có thể giúp các bạn tăng khả năng chinh phục kì thi TOEIC này. Chúc các bạn thành công!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét